Bún dọc mùng là món ăn truyền thống đậm đà tại phố thị Hà Nội, mang nét dân dã đặc trưng. Từ lớp bún mềm mịn, món này được nấu cùng nước dọc mùng thơm ngon, thêm thịt heo, bún, rau sống, chả, mỡ hành và mắm tôm. Vị chua, cay, mặn tạo nên hương vị độc đáo và khó quên. Bún dọc mùng là một trong những món ăn tuyệt vời để thưởng thức ẩm thực truyền thống của Hà Nội.
Chẳng rõ xuất xứ từ đâu, ra đời khi nào, nhưng từ lâu món bún dọc mùng Hà Nội đã trở thành một món quen thuộc của bao thế hệ người thủ đô, để rồi mỗi khi đi xa ai ai cũng cứ mãi vấn vương cái hương vị giản đơn mà đầy hấp dẫn ấy.
Bún dọc mùng Hà Nội – thức quà dân dã của người dân Hà thành
Bún dọc mùng hay bún bung là một trong những món ăn được xem là bình dân của ẩm thực Hà Nội. Món ăn này đã đi theo người Thủ đô vào bao trang sách ẩm thực hay văn học, tuy đơn giản nhưng chứa chan tấm lòng của những người con Hà thành.
Thời điểm xuất hiện của bún dọc mùng Hà Nội chẳng thấy có sách báo nào ghi, thế mà không biết từ bao giờ món ăn ấy lại trở thành một thứ quà đặc sản độc đáo của thủ đô.
Cũng như rất nhiều món ăn đặc sản Hà Nội khác, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những hàng bún dọc mùng trên các vỉa hè mà ít có nhà hàng sang trọng nào bán món ăn bình dân này. Thực tế, cũng chẳng có ai muốn ăn bún dọc mùng mà lại đi vào nhà hàng hạng sang cả, bởi với họ ăn như thế thì không còn ngon nữa.
Người Hà thành thường ăn món ăn này vào bất cứ thời điểm nào, cho dù là sáng hay tối, mùa hạ hay mùa đông. Vào mùa hè, bún dọc mùng Hà Nội là món ăn giải nhiệt rất hiệu quả nhờ hương vị thanh mát, còn khi đông về một bát bún nóng hổi, thơm phức lại khiến cho ai nấy cứ mãi xuýt xoa.
Những nguyên liệu quen thuộc làm nên món ngon đậm nét Hà Thành
Cách chế biến được món bún dọc mùng Hà Nội không quá cầu kỳ, nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn sơ chế với những thành phần chính làm nên bát bún gồm nước dùng, dọc mùng xanh, cà chua đỏ, mọc, móng giò…, nếu không nước dùng sẽ không được thanh mà dọc mùng ăn còn có thể bị ngứa. Bởi vậy không phải ai cũng có thể nấu món ăn độc đáo này.
Đầu tiên phải kể đến nồi nước dùng được ninh từ xương heo. Nước dùng muốn ngon thì phải dùng thịt heo tươi được rửa sạch đem đun sôi với nước, dùng muôi hớt bỏ váng bọt để nước dùng có độ trong. Ngoài ra, có thể cho thêm một ít hành khô đã nướng xém vỏ và sườn non để tăng thêm độ ngọt cho nồi nước dùng.
Tiếp đến phần thịt chân giò ăn cùng phải chọn phần bắp giòn, cuộn lại rồi buộc chặt bằng dây hoặc lạt sau đó đem luộc nhỏ lửa cho chín kỹ, vớt ra để nguội rồi thái lát mỏng, bản tròn. Một số hàng quán ở Hà Nội còn ướp thêm nước nghệ tươi để món ăn thêm phần đẹp mắt và có hương vị thơm ngon hơn.
Phần mọc của món bún này cũng giống hệt như mọc trong bát bún mọc vậy. Chúng được làm từ thịt nạc băm, trộn lẫn với mọc nhĩ, nấm hương băm nhỏ, nêm chút hạt tiêu, rồi viên lại, thả vào nồi nước dùng đang sôi sùng sục, đến khi nào những viên thịt nổi lên tức là mọc đã chín. Miếng mọc sựt sựt còn giữ nguyên độ ngọt tự nhiên từ thịt thì mới đúng là mọc ngon.
Nhưng quan trọng nhất của món bún dọc mùng Hà Nội chính là dọc mùng bởi nếu không biết làm thì có thể gây ra ngứa cho người ăn. Trước tiên dọc mùng phải tước lớp vỏ mỏng xanh bên ngoài đi, rồi thái vát, rồi bóp sơ chút muối hoặc ngâm vào nước muối loãng. Sau cùng đem rửa qua nước lạnh nhiều lần cho hết sạch nhựa thì khi đó mới có thể dùng để nấu ăn được. Ngoài ra dọc mùng không được nấu lâu nếu không bị bị nhão, nên nhiều khi thả vào nồi nước dùng, khi lăn tăn sủi là vớt ra, như thế mới đảm bảo được độ giòn.
Bún dọc mùng Hà Nội xưa vốn chỉ cần có mọc, xương heo, bún và dọc mùng là đủ. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của người ăn thì ngày nay người ta bắt đầu cho thêm chân giò, tai heo, lưỡi heo, nấm đông cô để món ăn này thêm phần hấp dẫn hơn.
Hương vị thanh mát, giòn sật của dọc mùng, ngọt thơm của mọc, tươi ngon của lát thịt chân giò, hòa quyện trong bát bún chan nước dùng đậm đà khiến khiến món ăn trở nên rất riêng mà không ai có thể cưỡng lại được.