Giá vàng SJC ngược dòng thành công trong phiên giao dịch hôm nay ngày 9/8. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu, giá vàng tiếp tục là một điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.
(ĐTCK) Trong khi vàng thế giới chịu áp lực khi chỉ số đô la Mỹ phục hồi và giá dầu thô yếu hơn, cùng thương hiệu vàng Rồng Thăng Long điều chỉnh giảm nhẹ, thì giá vàng SJC ngược dòng tăng nhẹ.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 100.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 9/8 đảo chiều tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,75 – 67,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,75 – 67,35 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 30.000 đồng/lượng so với hôm qua, hiện đứng ở mức 56,21 – 67,06 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 11,4 USD lên 1.925 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều hồi nhẹ lên mức 1.928,7 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 10,1 USD, tương ứng giảm 0,51% xuống 1.959,9 USD/ounce.
Vàng giảm trong phiên giao dịch giữa trưa thứ ba của Hoa Kỳ do chịu áp lực gia tăng sau khi dữ liệu xuất khẩu yếu đến bất ngờ từ Trung Quốc chỉ sau một đêm. Đồng thời, sự phục hồi của chỉ số đô la Mỹ và giá dầu thô yếu hơn cũng gây áp lực lên kim loại quý này.
Trong báo cáo thị trường mới nhất được công bố hôm thứ Ba, các nhà phân tích tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết thị trường ETF toàn cầu chứng kiến lượng nắm giữ giảm 34 tấn, trị giá 2,3 tỷ USD. Đây là tháng thanh lý thứ tư liên tiếp trên thị trường vàng.
“Nhìn chung, dòng chảy vàng toàn cầu so với đầu năm là -4,9 tỷ USD vào cuối tháng 7, giảm tổng cộng 84 nghìn tỷ vàng nắm giữ”, các nhà phân tích cho biết trong báo cáo.
Các nhà phân tích cho rằng, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương từ Cục Dự trữ Liên bang và các Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục chi phối nhu cầu đầu tư trên thị trường vàng. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt, điều này sẽ cung cấp một số hỗ trợ cho vàng.
Trong tuần này, các báo cáo lạm phát chính của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là tâm điểm của thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 của Hoa Kỳ sẽ công bố vào thứ Năm và chỉ số giá sản xuất sẽ công bố vào thứ Sáu. Cả CPI và PPI dự kiến sẽ chỉ tăng một chút so với các báo cáo tháng 6.
Với mức giá khoảng 1.928,7 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 56,23 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 11,14 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 102,55 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 9/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.831 đồng/USD, tăng 29 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.639 – 25.128 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.969 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.500 – 23.950 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.720 đồng/USD và bán ra là 23.800 đồng/USD.