Quán cháo trai khách ăn từ bé đến khi trưởng thành là một quán ẩm thực nổi tiếng với cháo truyền thống tươi ngon. Với nhiều loại cháo từ gạo, bắp, mì…được chế biến tỉ mỉ và đậm đà hương vị, quán đã thu hút khách hàng mọi lứa tuổi suốt nhiều năm qua. Bên cạnh cháo, quán cũng phục vụ nhiều món ăn khác như xôi, bánh bèo, bún riêu cua…Với không gian ấm cúng và phục vụ chu đáo, Quán cháo trai khách ăn là địa điểm lý tưởng cho cả gia đình và bạn bè thưởng thức món ăn ngon, bổ dưỡng.
Nằm trên phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, quán cháo trai của bà Lê Minh Hằng lúc nào cũng đông khách, đặc biệt vào buổi chiều. Bà Hằng cho biết quán do các thế hệ trong nhà cùng nhau mở từ hơn 40 năm trước.
Gia đình bà Hằng gốc Hà Nội, gần 100 năm nay luôn ở tại địa chỉ này. Căn nhà chia thành hai gian, một bên mở hàng cháo trai rộng khoảng 15 m2, bên còn lại là nơi ở của gia đình và làm kinh doanh.
Công thức nấu cháo trai do bà ngoại của bà Hằng, là người làng Vân Hồ từ thời kỳ Pháp thuộc, truyền lại cho mẹ rồi đến các anh chị em trong nhà. Những bát cháo bán cho khách đều do người nhà nấu và trực tiếp bán, còn nhân viên được thuê chỉ dọn dẹp và làm những công việc phụ. "Mọi công đoạn đều do người nhà làm, vì muốn nấu chuẩn vị thì phải có nghề", bà chủ 55 tuổi nói.
Chọn nguyên liệu ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm là những điều quán luôn tâm niệm. Bà Hằng cho biết, quê nội của bà tại huyện Thường Tín có một hồ nuôi trai riêng. Tất cả trai đều được chuyển từ đó về, là những con trai béo và ngon. Gạo vừa thơm vừa nở để nấu lên có độ dẻo, quánh rồi xay mịn. Hành tự phi, không làm nhiều một lúc. Quẩy cũng được rán sao cho ở mức giòn vừa, vẫn có độ dai và không dùng mỡ nhiều lần.
Chuẩn bị cho một bát cháo trai mất nhiều thời gian nhất là công đoạn chế biến trai. "Riêng thời gian chuẩn bị trai mất hàng tiếng, tốn rất nhiều nước để rửa sạch và cả công sức nữa", theo bà Hằng. Khi làm phải đem con trai đi ngâm cho ra hết nhớt rồi mới đánh rửa, đánh rửa xong cho vào luộc, sau đó mới bắt đầu gỡ và cắt thịt trai. "Làm mấy con trai này khó vì có nhiều công đoạn", bà Hằng nói.
Quán mở cửa từ 11h nhưng bán cơm, nếu khách muốn ăn cháo trai thì phải đến trong khoảng 15h đến 19-20h. Mỗi ngày sau giờ bán hàng, quán sẽ được dọn dẹp một lần để hôm sau đón khách, riêng sáng thứ bảy và chủ nhật nghỉ để tổng vệ sinh toàn diện. Ngày nào cũng đến giờ tan tầm là quán lại chật kín, nhiều người đi làm, đi học về ghé qua mua cháo. Nhiều hôm quán hết chỗ ngồi, nhất là vào mùa lạnh, khách phải đứng để giữ và chờ bàn. Nhiều khi khách phải đợi khoảng 10-15 phút để có nồi cháo mới vào giờ cao điểm.
Bà Hằng chia sẻ phần lớn khách đến ăn đều là người quen. "Có những người được bố mẹ dẫn đến ăn từ bé, rồi đến khi lớn có gia đình lại dẫn các con đến. Thậm chí có những khách còn kể chuyện yêu nhau khi đến ăn cháo", bà Hằng nói.
Hơn 20 năm nay, ông Kiều Hoàng Anh, 61 tuổi, quận Đống Đa, thường xuyên đến quán. Theo ông, cháo ở đây không bị vữa, vị ngọt, thêm thơm ngon nhờ rau răm. "Quán lúc nào cũng đông, nhiều người đã ăn lâu năm như tôi. Cháo sườn và cháo trai thì nhiều nơi bán, nhưng người Hà Nội phải đúng gu và quen miệng. Nếu hợp thì họ thường xuyên lui tới", ông Hoàng Anh cho hay.
Lê Ngọc Huyền, sinh viên tại Hà Nội, cho biết nơi ở của chị cách quán khoảng 10 km nhưng nghe giới thiệu nên ghé ăn thử. Với chị, phần cháo sánh mịn, đậm đà nên nếu ăn cùng trai sẽ hơi mặn.
"Thường bát cháo trai tầm giá 15.000 hoặc 20.000 đồng, ở đây 30.000 đồng hơi cao, nhưng đổi lấy trải nghiệm vừa thưởng thức quà chiều vừa cảm nhận không khí phố phường Hà Nội thì tôi thấy hợp lý", chị Huyền nói. Chị cũng cho hay quán đông và ồn ào nhưng người bán luôn niềm nở.
Chủ quán cho biết giá cả đã tăng trong nhiều năm qua, ngày xưa chỉ có vài nghìn đồng cho đến hiện giờ là 30.000 đồng một bát và mức giá này đi kèm với chất lượng của món ăn.
Với số lượng khách lớn, bà Hằng có ý định sửa sang quán cho khang trang và mở thêm tầng hai. Tuy nhiên, đây là một việc khá khó. "Nếu sửa chữa thì rất mất thời gian. Có thể khách phải chờ lâu, cũng có thể họ sẽ tìm nơi khác", bà Hằng nói.
Bài và ảnh: Khánh Hà