Tìm hiểu về đồng hồ chống xước đầu tiên của thế giới - Đồng hồ Rado DiaStar. Được ra đời vào năm 1962, Rado DiaStar đã làm nổi bật công nghệ sử dụng vật liệu sapphire trong lĩnh vực đồng hồ đeo tay. Với thiết kế sang trọng và chất liệu cao cấp, Đồng hồ Rado DiaStar đã trở thành biểu tượng của sự đẳng cấp và sự sáng tạo trong ngành công nghiệp đồng hồ.
Ở thập niên 60, đồng hồ Rado DiaStar có lẽ là chiếc đồng hồ nổi bật nhất, đáng nhớ nhất trong thập kỉ này. Kể từ khi thương hiệu Thụy Sĩ Rado cho ra mắt và giới thiệu vào năm 1962, Rado DiaStar đã trở thành một biểu tượng của công cuộc cách mạng về công nghệ sản xuất và úng dụng các vât liệu chống xước tiên tiến nhất cho đồng hồ đeo tay, Rado DiaStar không những làm thay đổi thị hiếu người dùng đồng hồ mà nó còn có ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất, chế tác đồng hồ hiện đại.
Tìm Hiểu Về Đồng Hồ Chống Xước Đầu Tiên Của Thế Giới - Đồng Hồ Rado DiaStar
Tiền thân của thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Rado là một xưởng sản xuất đồng hồ Schlup & Co được thành lập vào năm 1917 bởi 3 anh em Fritz, Ernst và Werner. Bắt đầu từ những năm 1950, Schlupp & Co cho ra mắt thị trường những chiếc đồng hồ chính thức mang tên thương hiệu Rado đầu tiên. Cho đến thập niên 60, khi tất cả các nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng Thế giới vẫn đang sản xuất đồng hồ đeo tay bằng kim loại thép hoặc bằng các kim loại quí hiến hơn như vàng; thì Rado đã chọn cho mình một hướng đi mới bằng cách ứng dụng loại vật liệu cho vỏ đồng hồ mà chưa tùng có thương hiệu nào sử dụng: gốm - ceramic. Vào năm 1962, sau rất nhiều năm nỗ lực nghiên cứu và chế tạo, Rado mới cho ra mắt mẫu đồng hồ chống xước đầu tiên trên thế giới mang tên Rado DiaStar 1, được nhà sản xuất chế tác từ hai chất liệu mới nhất trong lịch sử chế tạo đồng hồ đó là gốm và mặt kính tinh thể sapphire.
Rado DiaStar 1
Ngoài là đồng hồ chống xước đầu tiên, Rado DiaStar cũng được xem là đồng hồ bằng gốm đầu tiên, tuy nhiên, đã có nhiều tranh cãi xảy ra về chiếc đồng hồ bằng gốm đầu tiên bởi có một sự khác biệt về vật liệu gốm cần phải làm rõ, loại hợp chất gốm mà Rado đã sử dụng cho DiaStar là cacbua vonfram (hoặc còn gọi là tungsten carbide) chứ không phải là hợp chất zirconium dioxide, loại gốm thường sử dụng trong sản xuất chén, dĩa, ly tách. Dù vậy cũng không thể nói đồng hồ Diastar không phải là bằng vật liệu gốm. Vì định nghĩa về gốm cũng không rõ ràng, gốm (ceramic) được xem giống như một loại vật liệu nói chung hơn là một dạng hợp chất cụ thể. Theo Wikipedia, gốm là “một vật liệu rắn vô cơ, phi kim loại bao gồm các nguyên tử kim loại, phi kim loại hoặc dạng kim loại chủ yếu được giữ trong các liên kết ion và cộng hóa trị”. Về cơ bản, gốm có thể được chế tạo từ một loạt các nguyên tố, bao gồm cả các kim loại như vonfram. Wolfram Carbide (Vonfram Cacbua) là một hỗn hợp của vonfram và carbon – được khai thác trong các quặng thiếc. Wolfram còn được gọi là “tungsten” nghĩa là đá nặng - một tên thích hợp vì nó là một kim loại nặng, rất cứng - và loại hợp chất thép đầu tiên chứa vonfram được cấp bằng sáng chế vào năm 1858. Thép chứa vonfram siêu cứng đã làm nên cuộc cách mạng hóa ngành công nghiệp máy móc. Các vật liệu làm bằng cacbua vonfram xuất hiện nhiều công cụ dùng để cắt, khoan, cưa vật cứng khác như mũi khoan, lưỡi cưa, v.v...
Bột cacbua vonfram
Qui trình sản xuất vật liệu gốm Vonfram Cacbua bao gồm lấy bột cacbua vonfram nén ở áp suất khoảng 1000 atm với nhiệt độ 1000 độ C trong lò chân không để các hạt cacbua vonfram kết lại với nhau.
Qui trình sản xuất vật liệu cacbua vonfram
Kết quả ta được một vật liệu siêu cứng, siêu bền, có khả năng chống xước, chống hao mòn - và vào năm 1962, Rado lần đầu tiên sử dụng vật liệu cứng này trong chế tạo đồng hồ và quảng bá rộng rãi như là “đồng hồ chống xước” tốt nhất Thế giới thời bấy giờ.
Ngay từ những thập niên 50, Rado đã là thương hiệu tiên phong trong việc xây dựng Viện nghiên cứu và các nhà máy luyện kim cho riêng mình và cho tới ngày nay, bộ phận này vẫn phụ trách mảng sáng tạo và sản xuất các hợp chất gốm khác nhau, vẫn lặng lẽ tiếp tục trở thành người dẫn đầu về chế tạo vật liệu kỹ thuật, trong khi một số thương hiệu nổi tiếng nhất và là đối thủ cạnh tranh của Rado chỉ bắt đầu thành lập nhà máy sản xuất vật liệu cách đây 10 hoặc 20 năm. Thực sự thương hiệu Rado dường như đi trước thời đại đến 20, 30 năm trong việc ứng dụng các vật liệu chống xước cao cấp cho đồng hồ, bởi ngoài ứng dụng vật liệu gốm đầu tiên, Rado còn là thương hiệu đầu tiên ứng dụng rộng rãi vật liệu kính Sapphire tổng hợp, là loại vật chất có độ trong suốt cao và độ cứng chỉ thua kim cương, cho đồng hồ năm 1962, trong khi phần lớn các mẫu đồng hồ thương hiệu khác vẫn còn đang sử dụng loại kính nhựa. Với sự kết hợp giữa Vonfram Cacbua, có độ cứng gấp 10 lần thép 316l, với kính Sapphire, có độ cứng chỉ thua kim cương, đồng hồ Rado DiaStar có khả năng hạn chế trầy xước tuyệt vời ở cả dây, vỏ và mặt kính.
Đọc thêm:
Sự ra đời của đồng hồ Rado DiaStar được coi như một bước khởi đầu cho dòng đồng hồ chống xước trên thế giới. Nó cũng là sự khởi đầu cho triết lý sản xuất riêng biệt cho ngành đồng hồ - sự theo đuổi bước đột phá trong vật liệu chế tác đồng hồ nhưng vẫn đảm bảo giữ được nét sang trọng như các mẫu đồng hồ làm từ thép và kim loại quí khác. Từ thập niên 60, 70, vật liệu gốm – ceramic vẫn được ứng dụng rất ít trong các mẫu đồng hồ, nhưng cho đến những năm 1980, khi kĩ thuật và công nghệ phát triển, các thương hiệu đã bắt đầu sản xuất đồng hồ gốm nhiều hơn. Đến bây giờ, tất cả thương hiệu đều có sản xuất những mẫu đồng hồ gốm ceramic cho riêng mình, từ thương hiệu thời trang bình dân cho đến những thương hiệu xa xỉ. Có thể nói gần như mọi thương hiệu lớn dường như đều bao gồm một chiếc đồng hồ vỏ hoàn toàn bằng gốm trong danh mục sản phẩm. (Ngay cả những chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch cũng có phiên bản cao cấp với vỏ gốm.) Các sản phẩm đồng hồ bằng gốm có thể không bằng Vonfram Cacbua như Rado DiaStar. Bạn thậm chí có thể tìm thấy đồng hồ gốm chất liệu ZrO2 (loại gốm sứ) được in trên mặt số, Rado DiaStar là một cột mốc độc đáo đã xác lập sự phát triển của công nghệ sản xuất đồng hồ. Tính năng chống trầy xước và vẻ đẹp sang trọng, lộng lẫy là một phần quan trọng của những gì đã giúp gốm trở thành vật liệu cao cấp mới của ngành chế tạo đồng hồ. Ví dụ như ngày xưa, đồng hồ đeo tay thể thao, đồng hồ lặn với các vành bezel bằng nhôm được sử dụng như là tiêu chuẩn, nhưng giờ đây, các hãng sản xuất đã thay thế bằng vật liệu gốm bởi khả năng hạn chế trầy xước tốt và vẻ đẹp sang trọng để sử dụng cho các thương hiệu đồng hồ xa xỉ từ Rolex đến Omega, Longines, vv…. Mặt khác, với chiếc đồng hồ có vỏ và dây hoàn toàn bằng gốm, đòi hỏi một mức độ khác về chi phí và công nghệ sản xuất, kĩ thuật chế tác rất phức tạp, nhưng các thương hiệu rõ ràng đã coi chúng là một khoản đầu tư đáng giá. Mặc dù gốm có thể sứt mẻ hoặc nứt với các tác động rất mạnh bên ngoài, nhưng nó rất có giá trị về khả năng chống trầy xước, có sức hấp dẫn kỳ lạ về vẻ đẹp sáng bóng như thép, cũng như không bị ôxi hóa ăn mòn, giúp các mẫu đồng hồ bằng gốm có thể giữ nguyên vẻ đẹp lộng lẫy như ban đầu sau nhiều năm sử dụng. Điều này đặc biệt có thể thấy qua những mẫu đồng hồ Rado DiaStar cổ được sản xuất từ những thập niên 60, ngay cả sau bốn hoặc năm thập kỷ, nhìn chung chúng vẫn trông hoàn toàn mới.
Thật thú vị, gốm cũng dễ tạo màu sắc đa dạng mà không cần lớp phủ như mẫu thép: Trong một thời gian dài, các nhà sản xuất đồng hồ rất khó sản xuất gốm với các màu khác ngoài đen và trắng với độ nhất quán và độ chính xác của màu sắc, nhưng Rado lại dẫn đầu với khả năng tạo màu sắc đa dạng và đẹp mắt cho vật liệu gốm trong bộ sưu tập Le Corbusier. Nếu so với các lớp phủ màu bề mặt truyền thống của đồng hồ thép là lớp phủ DLC và PVD, là phương pháp xử lý bề mặt nhằm cải thiện khả năng tạo màu và giữ màu trên bề mặt của đồng hồ, nếu lớp phủ này mất đi thì sẽ lộ ra vỏ thép trắng bên trong, trong khi gốm ceramic, mặc dù trông giống như một chiếc đồng hồ thép, nhưng thực sự từ lõi đến vỏ đều nhất quán một màu.
Gốm đã, đang và vẫn sẽ mãi là một phần cốt lõi của bản sắc thương hiệu Rado. Diastar ra đời cách đây đã gần 60 năm và Rado vẫn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến kĩ thuật sản xuất vật liệu gốm có khả năng chống xước tốt hơn, nhẹ hơn, bền hơn. Rado vẫn tạo ra các sản phẩm gốc trong bộ sưu tập đồng hồ “Diastar The Origin”, với hơn 20 mẫu mã có số lượng có hạn chỉ 1962 chiếc trên toàn thế giới, bao gồm cả mẫu máy pin và máy cơ.
Bộ sưu tập Rado DiaStar The Original tại cửa hàng SHOPDONGHO.com
Chất liệu vỏ cacbua vonfram của DiaStar The Origin được gọi là Hardmetal, để phân biệt với các loại đồng hồ khác là gốm công nghệ cao, gốm công nghệ cao Plasma và Ceramos. Và tất nhiên, trong bộ sưu tập Rado DiaStar The Origin cũng có đồng hồ bằng thép không gỉ ở mức giá thấp. Tuy nhiên, điểm hạn chế của bộ sưu tập DiaStar The Origin là phần dây lại được làm từ thép dễ trầy xước hơn vỏ vonfram cacbua, nên khi sử dụng bạn nên hạn chế để phần dây va quẹt với vật cứng Phong cách thiết kế đồng hô Rado DiaStar cũng khá độc đáo, khác lạ hơn rất nhiều với mặt đồng hồ hình oval, trong khá giống một chiếc đĩa bay vũ trụ, so với dạng đồng hồ mặt tròn cổ điển, nên nhìn nom đồng hồ DiaStar giống như một chiếc đồng hồ đến từ tương lai, nhưng nhờ vậy chỉ cần nhìn đồng hồ này qua một lần, bạn sẽ thấy có ấn tượng rất sâu sắc cũng như sẽ nhận dạng ra ngay đây chính là DiaStar của thương hiệu Rado.
Đọc thêm:
Rado DiaStar Original với vỏ có size chỉ trong khoảng 35mm cho cả nam và nữ, mặc dù thiết kế này có thể trông giống đồng hồ đeo tay nữ size đồng hồ có thể khá nhỏ so với những người nam có cổ tay 20cm. Không rõ tại sao thương hiệu Rado lại không sản xuất một mẫu có vỏ 40 / 41mm để thu hút tầng lớp khách hàng hiện đại với sở thích đeo những mẫu đồng hồ to và dày để dễ khoa trương. Chắc có lẽ Rado thực sự muốn lưu giữ phong cách thiết kế retro truyền thống rất thịnh hành với kiểu dáng nhỏ nhắn và những đường nét, hình thù lập dị trong thiết kế của những năm ngày xưa. Có thể bạn sẽ không đánh giá cao sự lập dị của mẫu thiết kế, nhưng khi sở hữu Rado DiaStar, bạn sẽ tự hào vì mình đang sở hữu mẫu đồng hồ đã làm nên cách mạng trong công cuộc ứng dụng và sản xuất vật liệu chống xước cho đồng hồ, cũng như bạn sẽ luôn được tỏa sáng như một ngôi sao cùng vẻ đẹp vĩnh cửu vượt thời gian của loại đồng hồ bằng gốm cao cấp này.
Xem thêm:
REVIEW ĐỒNG HỒ OMEGA SPEEDMASTER '57 331.10.42.51.01.001
4 BỘ SƯU TẬP ĐỒNG HỒ LONGINES NAM ĐÁNG MUA NHẤT NĂM 2020
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THƯỚC TRƯỢT TRÊN ĐỒNG HỒ PHI CÔNG
REVIEW ĐỒNG HỒ CITIZEN NIGHTHAWK BJ7006-56L - THIÊN THẦN XANH CỦA THƯƠNG HIỆU citizen
TOP 4 THƯƠNG HIỆU ĐỒNG HỒ NHẬT BẢN UY TÍN NHẤT NÊN BIẾT
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG ĐỒNG HỒ CITIZEN ECO-DRIVE PROMASTER JR4
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CITIZEN JY8 (MÁY U680)
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG VÒNG XOAY LA BÀN TRÊN ĐỒNG HỒ
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CITIZEN MODEL BN4 (MÁY J280)
ĐỒNG HỒ CITIZEN ECO-DRIVE BỊ YẾU NĂNG LƯỢNG - CÁCH NHẬN BIẾT VÀ KHẮC PHỤC
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG ĐỒNG HỒ CITIZEN ECO-DRIVE SATTELITE WAVE AIR CC1